loading...
loading...

Ta thấy những con rùa đó thật to lớn, nhưng rùa trước kia còn to hơn nhiều, và tuy di chuyển chậm chạp nhưng chúng lại suy nghĩ nhanh tới mức ngạc nhiên.
Lời đồn: Rùa khổng lồ sống trên các hòn đảo. Có thể xác định được tuổi rùa bằng cách xem các vòng trên mai, và đó là cách giúp ta biết được chúng là loài động vật có xương sống ‘thọ’ nhất. Charles Darwin phát hiện ra là chúng di chuyển nhanh hơn nhiều so với ông tưởng.
Thực tế: Rùa khổng lồ từng sống ở khắp nơi chứ không phải chỉ trên các đảo. Không thể xác định chính xác được độ tuổi trừ phi biết chắc chắn chúng nở ra khi nào. Rùa khá là chậm chạp. Rất có thể Darwin từng xua cho chúng chạy nhanh hơn.
Những con rùa lớn nhất thế giới thường được tìm thấy trên quần đảo Seychelles ở Ấn Độ Dương và quần đảo Galápagos ở Thái Bình Dương.
Một số ghi chép cho rằng đời sống trên đảo làm nên kích cỡ của chúng. Điều này hoàn toàn không chính xác. Chỉ cần liếc qua các hồ sơ hoá thạch cũng đủ để thấy điều này.
Một con rùa Galápagos có mai dài khoảng 100cm. Nếu đây là chuẩn mực cho định nghĩa ‘khổng lồ’ thì rõ ràng giống rùa khổng lồ không chỉ xuất hiện trên các đảo nhỏ mà còn ở nhiều nơi khác.
Chẳng hạn như ở miền nam Hoa Kỳ và Trung Mỹ từng có giống rùa khổng lồ có tên gọi Hesperotestudo crassiscutata, bị tuyệt chủng 12.000 năm trước.
Tại Queensland, Úc, từng có một giống rùa khổng lồ khác, được gọi là Ninjemys oweni, theo tên gọi của các nhân vật trong phim Ninja Rùa.
Image captionMột con rùa giống Galápagos
Thế nhưng lớn hơn hết phải kể đến rùa Siwaliks, vài triệu năm trước từng sinh sống ở nơi mà ngày nay là vùng Punjab của Ấn Độ. Giống rùa này có kích thước gấp đôi rùa Galápagos.
Bên cạnh đó, nghiên cứu gene vào năm 1999 đối với rùa Galápagos cho thấy tổ tiên chúng có kích cỡ khá lớn trước khi rời khỏi đại lục Nam Mỹ vài triệu năm về trước.
Trên thực tế, một số ý kiến cho rằng kích cỡ lớn là yếu tố cần thiết để giúp cho việc tái định cư thành công trên các đảo nhỏ ngoài đại dương.
Thế nhưng các giống rùa này ngày nay đang ở đâu?
Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hoang dã cho thấy rùa khổng lồ bị tuyệt chủng với tỷ lệ lớn hơn so với những loài rùa cỡ trung và cỡ nhỏ.
“Chúng di chuyển chậm chạp, không đe dọa tới ai và rất dễ bị phát hiện,” ông Anders Rhodin, giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Rùa, và các cộng sự viết trong một nghiên cứu.
Bên cạnh đó, rùa khổng lồ còn có thể nhịn ăn uống trong một thời gian dài. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng có thể bị bắt sống và dự trữ để làm nguồn cung cấp thực phẩm đều đặn cho loài khác.
“Nói cách khác, rùa là một dạng thức ăn 'đóng hộp' đầu tiên, trước thời kỳ cách mạng công nghiệp,” nhóm nghiên cứu viết.
Người tiền sử thường dùng các dụng cụ bằng đá để gỡ mai rùa.
Con người tìm ra rùa Seychelles và Galápagos khá trễ, nhờ vậy mà chúng ta còn được chiêm ngưỡng chúng đến ngày nay.
Ở những nơi hẻo lánh này, rùa khổng lồ trở thành đại diện của loài bò sát. Sống thọ cho nên chúng được xem như sợi dây kết nối với một thế giới thất lạc.
Thế nhưng trên thực tế thì rùa thọ đến bao nhiêu tuổi?
Image captionMột con rùa Aldabra
Người ta thường cho rằng có thể tính tuổi của một con rùa dựa vào số vòng trên mai. Đáng tiếc rằng điều này chỉ có thể áp dụng trong một, hai năm đầu và hoàn toàn không chính xác đối với những con trưởng thành, tức khoảng 20 năm tuổi trở lên.
Phương pháp đáng tin cậy duy nhất là ghi lại năm sinh của chúng.
Trong một số trường hợp, rùa khổng lồ có thể sống đến 150 năm hoặc lâu hơn.
Rùa khổng lồ không phải là loài có thế mạnh về tốc độ di chuyển. Tuy nhiên khi ở trên quần đảo Galápagos vào năm 1835, Charles Darwin nhận thấy chúng di chuyển nhanh hơn ông tưởng.
“Tôi nhận thấy một con lớn đi được 60 yards trong 10 phút, tức 360 yards trong một giờ,” ông viết.
“Với tốc độ này, nó có thể đi được 4 dặm (6,4km) một ngày mà vẫn có thời gian nghỉ một chút.”
Gần đây hơn, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các thiết bị theo dõi để ghi chép chuyển động của rùa Galápagos một cách tỉ mỉ hơn.
Kết quả cho thấy đây chúng chẳng hề nhanh nhẹn như thế chút nào. Chúng thường di chuyển rất ít và chỉ loanh quanh một địa bàn nhỏ.
“Những con rùa chúng tôi theo dõi chỉ di chuyển tối đa khoảng 2km mỗi ngày,” Stephen Blade, điều phối viên của Chương trình Theo dõi Hệ sinh thái Rùa Galápagos, nói. “Có lẽ hồi trước Darwin từng xua cho chúng chạy.”
Dù chậm chạp nhưng chúng có lẽ là thông minh hơn nhiều người vẫn nghĩ.
Nghiên cứu đối với loài rùa chân đỏ ở Nam Mỹ, một họ hàng không xa lắm của rùa khổng lồ Galápagos, cho thấy chúng có thể sử dụng các nét đặc trưng của môi trường xung quanh để xác định vị trí.
Chúng cũng có thể nhìn theo ánh mắt và học hỏi từ hành động của những con khác.
[Nguồn BBC]

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.